Những thách thức của quảng cáo năm 2022

Những thách thức của quảng cáo năm 2022

Theo thống kê, 90% người dùng không nghĩ đến một thương hiệu nào đó trước khi bắt đầu tìm kiếm. Đây là một trong những lý do chính khiến quảng cáo trực tuyến ngày càng cạnh tranh gay gắt, tạo ra thách thức cho các thương hiệu khi thực hiện chiến dịch quảng cáo.

Trong bài viết này, hãy cùng Advertising Vietnam tìm hiểu những thách thức quảng cáo mà thương hiệu có thể đối mặt trong năm 2022 và cách để vượt qua, dựa trên phân tích của các chuyên gia!

Những thách thức của quảng cáo năm 2022
Những thách thức của quảng cáo năm 2022

1. Khả năng tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu

Mục tiêu của quảng cáo nói riêng và tiếp thị nói chung là tiếp cận đúng đối tượng, với đúng thông điệp và vào đúng thời điểm. Nhưng khi các nền tảng thông tin phát triển, việc tiếp cận đúng đối tượng ngày càng khó khăn, trở thành một trong những thách thức đối với nhà quảng cáo.

Bà Valentina Turchetti, Co-Founder kiêm trưởng bộ phận nội dung Your Digital Web, cho biết: “Dù các thương hiệu sử dụng công cụ nhắm mục tiêu lại (retargeting) và tạo một chiến dịch nâng cao, các yếu tố bên ngoài cũng có thể khiến hiệu quả quảng cáo giảm sút. Một trong số đó là tính năng bảo vệ quyền riêng tư của Apple – cho phép người dùng chặn các ứng dụng theo dõi hoạt động trực tuyến của họ”.

Cách vượt qua thách thức: Trên thực tế, các thương hiệu thường dựa vào các quảng cáo tự nhiên (native ads) nhiều hơn và chỉ tập trung vào nhóm khách hàng trung thành. Nhưng khi việc tiếp cận đúng đối tượng trở nên khó khăn hơn, các chiến lược quảng cáo cần phải thay đổi. Chẳng hạn, thương hiệu có thể tích hợp quảng cáo với hệ thống CRM (quản lý quan hệ khách hàng) hoặc tìm thêm khách hàng mới để tăng tỷ lệ tiếp cận.

2. Phân bổ đủ ngân sách 

Ngân sách được xem là thách thức lớn trong hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ do chưa có nhiều doanh thu. Tuy nhiên, với những thay đổi không ngừng của hoạt động chuyển đổi số và tác động của dịch bệnh, ngân sách cũng bắt đầu ảnh hưởng đến những doanh nghiệp lớn hơn.

Những thách thức của quảng cáo năm 2022
Phân bổ đủ ngân sách

Bà Turchetti chia sẻ: “Quảng cáo không chỉ là một lựa chọn, mà là hoạt động bắt buộc và đòi hỏi các thương hiệu phải phân bổ ngân sách. Tùy thuộc vào kênh và mục tiêu, các thương hiệu sẽ chạy các chiến dịch trên nhiều kênh khác nhau như Facebook, Instagram, Linkedin, Google,… Do đó, các doanh nghiệp cần thiết lập ngân sách và phân bổ cho từng chiến dịch quảng cáo”.

Cách vượt qua thách thức: Khi phạm vi tiếp cận của những quảng cáo không trả phí ngày càng thấp, cách tốt nhất để vượt qua thách thức này là cung cấp dữ liệu cho những người đưa ra quyết định về ngân sách (quản lý dự án, trưởng phòng marketing). Marketers có thể đề xuất tăng ngân sách quảng cáo tổng thể, đồng thời xác định lại mục tiêu quảng cáo để tập trung ngân sách vào các kênh phù hợp.

3. Khả năng mở rộng hoạt động đa kênh

Năm 2021 người dùng mạng xã hội tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng với hơn 72 triệu người (chiếm 73.7% dân số), tăng 7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Những con số trên cho thấy tiềm năng của quảng cáo trực tuyến, nhưng tạo ra thách thức trong chiến lược quảng cáo đa kênh của các doanh nghiệp. Bởi ngoài tạo ra một chiến dịch hiệu quả, các marketer cần mở rộng chiến dịch đó để duy trì hình ảnh thương hiệu trong lòng người tiêu dùng và tạo ra sự tăng trưởng dài hạn.

Cách vượt qua thách thức: Theo Turchetti, các trang đích đang và sẽ là chìa khóa tạo ra chuyển đổi. Các thương hiệu nên tạo, thử nghiệm A/B và chạy các trang đích nhằm giải quyết vấn đề của các nhóm khách hàng mục tiêu ở từng kênh, kèm theo CTA (call to action) mạnh mẽ để thúc đẩy họ hành động.

4. Chỉ dựa vào một kênh tiếp thị

Báo cáo cũng cho thấy người dùng Việt Nam đang sử dụng đa dạng nền tảng mạng xã hội, đứng đầu là YouTube và Facebook. Đặc biệt, với sự cố ngừng hoạt động của Facebook, Instagram và WhatsApp vào tháng 10/2021, chúng ta có thể thấy việc phụ thuộc vào “sân chơi” duy nhất sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp.

Cách vượt qua thử thách: Marketers nên xem xét chiến lược quảng cáo và lựa chọn những kênh truyền thông phù hợp để tiếp cận khách hàng mục tiêu. Tiếp thị đa kênh sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp xúc với khách hàng, tạo ra thói quen tiêu dùng và làm tăng tỷ lệ chuyển đổi.

5. Cạnh tranh

Sự cạnh tranh khiến các thương hiệu gặp khó khăn trong việc tiếp cận đúng đối tượng theo  cách đúng đắn. Lewis Goldstein, chủ tịch của Blue Wind Marketing, cho biết: “Khi có nhiều thương hiệu tham gia vào lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn”.

Cách vượt qua thử thách: Goldstein khuyên Marketers nên tìm hiểu khán giả mục tiêu ở mức độ sâu hơn thông qua cách họ suy nghĩ (logic) và cảm nhận (cảm xúc). “Bạn càng hiểu rõ về đối tượng mục tiêu của mình, bạn càng dễ dàng tạo ra các chiến dịch quảng cáo hiệu quả”.

6. Nâng cao chỉ số cảm xúc 

“Cảm xúc” đã được khoa học chứng minh là một yếu tố quan trọng trong ngành quảng cáo, góp phần thúc đẩy hành vi ra quyết định của người tiêu dùng. Goldstein cho biết: “Thu hút khách hàng bằng cách sử dụng logic đơn thuần và quên đi vai trò thiết yếu của cảm xúc là sai lầm của các nhà quảng cáo. Nếu cảm xúc được lồng ghép khéo léo vào nội dung quảng cáo, doanh nghiệp sẽ thu về nhiều chuyển đổi, gia tăng doanh số bán hàng và doanh thu”.

Cách vượt qua thách thức: Trong số 1400 chiến dịch quảng cáo thành công được khảo sát thì những chiến dịch đánh vào yếu tố cảm xúc thực hiện cao gấp đôi so với những chiến dịch có nội dung khác. Do đó, doanh nghiệp nên tận dụng yếu tố cảm xúc để kết nối với khách hàng một cách hiệu quả.

Liên hệ Công ty TNHH Truyền thông Sự kiện Phạm Gia Media

Xem thêm: Tại sao doanh nghiệp cần có “sự khác biệt”?

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *